Thị trường khó tính EU, được xem là nơi mà nhiều nông sản trên thế giới muốn tiếp cận bởi dư địa lớn, giá trị thương mại cao.
Theo ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu, mỗi năm, thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỉ trọng rất nhỏ.
Trong cơ cấu rau củ quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỉ trọng lớn). Người dân châu Âu đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.
Nông sản, thực phẩm Việt liên tục bị EU cảnh báo
Sau gần 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu vào thị trường EU tăng mạnh. Hiện, EU trở thành thị trường lớn thứ 3 của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Song, thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu sang thị trường này liên tục bị cảnh báo về ATTP.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô.
“Vừa qua, tại phiên họp thứ 83 Ủy ban SPS-WTO, chúng tôi đã làm việc với EU về vấn đề này. Phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản”, ông Nam nói.
EU cũng là khu vực có nhiều thông báo SPS nhất với Việt Nam trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, cùng với Nhật Bản, Brazil, Canada và Mỹ. Lãnh đạo SPS Việt Nam cho rằng, điều này phù hợp với quy luật vận động trên trường quốc tế hiện nay.
Nắm chắc tiêu chuẩn, đầu tư cho chất lượng
Ngoài vấn đề về dư lượng, ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty International Fresh Group, đơn vị chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường châu Âu chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU là các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc.
“Đối với sản phẩm chế biến, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường châu Âu bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh hoặc đóng lon. Người tiêu dùng tại đây ưu tiên sự tiện lợi trong cách thức chế biến”, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu Trần Văn Công bày tỏ.
Để nông sản Việt Nam xuất khẩu bền vững sang EU, ông Ngô Xuân Nam cho rằng, muốn xuất khẩu hàng hoá “dài hơi” vào EU thì phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của thị trường này. Khi phía EU đưa ra quy định, nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học thì chúng ta phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu. DN không nên quá nóng vội, nếu chạy theo xuất khẩu số lượng sẽ không bền vững.
Như vậy, để đi đường dài, doanh nghiệp thương mại, chế biến cần thay đổi tư duy, tập trung vào chất lượng sản phẩm. Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có bộ phận nghiên cứu về kỹ thuật, tiêu chuẩn xuất khẩu. Về phía Văn phòng SPS Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đối tượng sản xuất trong việc nắm chắc tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường để sản xuất hàng hoá phù hợp.
Theo thống kê Văn phòng SPS Việt Nam, từ đầu năm đến nay, hệ thống cảnh báo về ATTP và thức ăn chăn nuôi của EU đã phát đi 2.531 cảnh báo sản phẩm của các quốc gia vi phạm quy định. Riêng Việt Nam có 50 cảnh báo liên quan nông sản, thực phẩm.
Xem thêm các ứng dụng của màu sắc trong sản phẩm tại đây.
Liên hệ với VIGA để được hỗ trợ tư vấn thêm.
Comments